PHÂN TÂM HỌC của Sigmund Freud

chuyenmarketing

New Member
Tóm tắt nội dung chính PHÂN TÂM HỌC nhập môn của Sigmund Freud.

Tiểu sử:

Sigmund Freud là cha đẻ của phân tâm cổ điển, ông sinh ngày 6 tháng 5 năm 1856, ở Freiburg, một thị xã nhỏ ở Moravia, hiện nay là phần thuộc cộng hoà Czech. Khi Freud lên 4 tuổi, cha ông là một thợ máy người Do Thái, đưa gia đình đến Vienna, Freud đã sống hầu hết thời gian ở đây.Theo học trường y khoa, ông chuyên về thần kinh học và đã học một năm tại Paris với Jean-Martin Charcot, ông chịu ảnh hưởng bởi Ambroise-August Liebault và Hippolyte-Marie Bernheim, cả hai đều dạy ông thôi miên khi ông ở Pháp. Sau khi học tập ở Pháp, ông quay trở về Vienna và bắt đầu công việc lâm sàng với những bệnh nhân Hysteria. Vào khoảng từ năm 1887 đến 1897, công việc của ông với những bệnh nhân này dẫn đến việc phát triển phân tâm học. Ông chết năm 1939 tại Luân Đôn.

Theo ông, nhân cách con người được xây dựng qua sự tương tác phức hợp giữa các xung năng (driven) với những kinh nghiệm thời niên thiếu của họ. Hành vi của con người là kết quả của cách nuôi dạy, đối xử của bố mẹ khi họ còn ở thời tuổi nhỏ đặc biệt trong 5 năm đầu tiên của cuộc đời. Trong lý thuyết của ông, con người tiếp tục thỏa mãn những mong muốn của họ theo cách mà họ tương tác với người khác trong quá khứ hay cách mà họ thỏa mãn những mong muốn của mình thời thơ ấu.

Một số khái niệm liên quan cần hiểu:

Phân tâm học có thể hiểu là phân tích tâm lí học.

Vô thức là vấn đề chính trong phân tâm học của Freud.

Vô thức là những sự kiện tâm linh cá nhân, chìm khuất trong góc tối của tâm hồn và không bao giờ biểu hiện, không thể dùng ý chí để điều khiển được. Nó là động cơ tiềm ẩn, có khi trở nên mãnh liệt, thôi thúc hành động đến mức không kiểm soát được, không hợp với lý trí. Vô thức được ví như phần chìm của tảng băng tâm linh, góp phần quyết định trong việc hình thành các khuynh hướng của mỗi cá nhân. Trong vùng vô thức liên tục diễn ra cuộc đấu tranh giữa bản năng với bản ngã, giữa phần "con" và "người" và bản năng sẽ bị dồn nén lại trong hàng rào kiểm duyệt (censure) không cho vượt qua lên tầng ý thức được. Nên những xung lực này chỉ biểu hiện phần nào trong các giấc mơ và phần lớn trong các chứng loạn thần kinh (névroses). Vô thức nằm ở đáy sâu tăm tối của tâm linh nên không thể thực nghiệm và không thể khảo sát được bằng các trắc nghiệm.

S. Freud là người đầu tiên khảo sát vô thức bằng phép liên tưởng tự do dựa trên quan sát thực tế. Ông đã đóng góp rất lớn cho tâm bệnh học, giúp con người hiểu thêm về mình, về người khác, và cách hóa giải các xung lực bằng phân tâm (còn gọi là Tâm lý chiều sâu).

Bản năng là khuynh hướng vốn có của một sinh vật đáp lại một tác động hay điều kiện cụ thể. Bản năng thường là những mẫu thừa hưởng của những phản ứng đáp lại một sự kích thích. Đối với loài người, bản năng dễ thấy nhất khi quan sát những hành vi về thân thể, xúc cảm hoặc giới tính, bởi chúng đã được xác định rõ ràng về mặt sinh học. Bản năng tạo ra phản ứng tới một kích thích ngoài, làm khuynh hướng đó chuyển thành hành động, trừ khi chịu tác động của trí tuệ - sáng tạo và linh hoạt hơn. Bởi phải trải qua nhiều thế hệ mới có thể dần thay đổi bản năng, một vị trí(nền tảng) trung gian của hành động được lưu lại trong trí nhớ. Nền tảng này cung cấp những phản ứng đơn lẻ đã thành công dựa trên kinh nghiệm. Những hành động cụ thể đó có thể chịu ảnh hưởng của học tập, môi trường và những nguyên tắc tự nhiên. Nói chung, khái niệm bản năng không dùng để mô tả một trạng thái đã được thiết lập sẵn.

Bản ngã có thể chỉ tới một trong các khái niệm sau:

Trong triết học, "cái tôi" được hiểu là cái tôi ý thức hay đơn giản là tôi, bao hàm trong đó những đặc tính để phân biệt tôi với những cá nhân khác.

Trong phân tâm học, "cái tôi" (ego) là phần cốt lõi của tính cách liên quan tới thực tại và chịu ảnh hưởng của tác động xã hội. Theo Sigmund Freud, "cái tôi" cùng với "nó" (id) và "cái siêu tôi" (superego) là ba miền của tâm thức. "Cái tôi" được hình thành ngay từ khi con người sinh ra và qua tiếp xúc với thế giới bên ngoài, "cái tôi" học cách cư xử sao cho kiểm soát được những ham muốn vô thức không được xã hội chấp nhận. "Cái tôi" có vai trò trung gian hòa giải giữa những ham muốn vô thức và những tiêu chuẩn nhân cách và xã hội.

Trong triết lý Phật giáo, "cái tôi", thường gọi là "ngã", là "cái tôi" được thiết thuyết với một thể tính trường tồn, không bị ảnh hưởng của tụ tán, sinh tử. Đạo Phật không công nhận sự hiện diện của một "ngã" như thế.

Hiện nay có khuynh hướng cho rằng “Bệnh nhân tâm thần đều giống y như chúng ta, chỉ khác là họ đã giống nhiều hơn mà thôi”.



Những vấn đề quan trọng được đề cập tới trong lý thuyết của Sigmund Freud đó là bản năng, vô thức, cấu trúc nhân cách, cơ chế tự vệ.

Bản năng

Ông cho rằng con người được sinh ra với những bản năng thuộc về vô thức. Nó bao gồm các bản năng sống và bản năng chết.

- Bản năng sống: là sự đói khát, tình dục.

- Bản năng chết: là những bản năng hướng tới sự phá bỏ, tiêu diệt cuộc sống. Những hành vi gây thương tích, tự hủy hoại bản than ở con người. Những hành vi hung tính, sự nóng giận cũng là bản năng chết của con người.

Cấu trúc nhân cách.

S. Freud cho rằng cấu trúc của nhân cách gồm có 3 cấu thành, đó là cái Nó (Id), cái tôi (Ego) và cái siêu tôi (Super Ego). Các cấu trúc này được hình thành và phát triển dần tới khi con người được 5 tuổi.

- Cái ấy (id): Hệ thống này bao gồm các bản năng vô thức và thúc đẩy con người thỏa mãn những mong muốn mà không tính tới các nguyên tắc và các quy định của xã hội.

- Cái tôi (ego): được hoạt động, điều chỉnh (kiểm soát) bởi thực tiễn thế giới xung quanh.

- Cái siêu tôi (superego): bao gồm ý thức và đạo đức.

Cả ba cấu thành trên được tập hợp trong một con người và chúng quy định ảnh hưởng lẫn nhau. Cái nó hoạt động theo nguyên tắc thỏa mãn. Cái tôi hoạt động theo nguyên tắc thực tiễn và cái siêu tôi hoạt động theo nguyên tắc kiểm duyệt.

Sự mâu thuẫn tồn tại giữa cái Ấy và cái Siêu tôi dễ làm con người rơi vào tình trạng căng thẳng. Để giúp cho con người có thể thoát khỏi tình trạng này, S.Freud cho rằng cần có những cơ chế tự vệ để bảo đảm tạo ra sự cân bằng trong tâm lý của con người.

Các cơ chế tự vệ.

- Sự dồn nén: kiềm chế những lo lắng lại, che giấu không để lộ ra ngoài.

- Sự phóng chiếu: chuyển những cảm xúc của mình lên người khác.(tâm sự)

- Sự chối bỏ: từ chối, ví dụ không chấp nhận những lo lắng sợ hãi đang tồn tại trong bản than.

- Sự thoái bộ: thoái lui về giai đoạn trước, có những hành vi thuộc lứa tuổi trước đó ( hiện tượng trẻ con hóa).

- Sự tạo lập hành động (phản ứng): chuyển những cảm xúc ví dụ lo âu thành hành động. ( Lo về kết quả học tập – học bài).

- Sự phá bỏ: chuyển những cảm xúc lo âu thành sự hung dữ. ( Lo về kết quả học tập – đi uống rượu).

- Sự thăng hoa: chuyển lo âu, sợ hãi thành các sản phẩm có ích cho xã hội. ( Ví dụ: nhà thơ Xuân Diệu chuyển cảm xúc thất tình thành thơ).

- Sự mơ mộng: thỏa mãn những mong muốn trong giấc mơ.

Quá trình phát triển nhân cách

S. Freud cho rằng tâm lý con người phát triển qua các giai đoạn khác nhau sau đây:

- Giai đoạn môi miệng (oral stage): từ khi sinh ra cho đến 1.5 tuổi. Sự thỏa mãn được thự hiện qua ăn uống, mút, bú mẹ. Nếu đứa trẻ trong thời kỳ này không được thoản mãn nhu cầu này, thì nó sẽ có những cảm giác tiêu cực như tự ti, lo âu về sự an toàn vào những giai đoạn sau của cuộc đời.

- Giai đoạn hậu môn (anal stage): từ 1.5 – 3 tuổi. Sự thỏa mãn được thực hiện qua sự đi đại tiện, tiểu tiện. Thời kỳ này trẻ bắt đầu học cách kiểm soát cơ thể và môi trường xung quanh qua việc hướng dẫn của cha mẹ, việc quy định vệ sinh và các hoạt động giáo dục khác.

- Giai đoạn dương vật (phallic stage): từ 3 – 5 tuổi. Trong giai đoạn này có 3 mặt phát triển chính: hứng thú tình dục, phát triển của siêu tôi, mở rộng phạm vi quá trình bảo vệ cái tôi.

- Giai đoạn tiểm ẩn (latance stage): từ 5 tuổi trở lên đến tuổi vị thành niên. Khi này trẻ học cách thăng hoa tình yêu đối với bố mẹ, nó được thể hiện bằng sự tôn kính.

- Giai đoạn cơ quan sinh dục ngoài (genital stage): là giai đoạn tuổi thanh niên và sang tuổi trưởng thành, khi này cá nhân đã có thể nhận thức và ý thức hành vi ở người lớn.

Các kỹ thuật can thiệp.

- Phân tích sự chuyển dịch:

Sự chuyển dịch là quá trình những cảm xúc xung đột của thân chủ với người nào đó trong quá khứ (ví dụ như: cha, mẹ, người yêu..)được thể hiện ra với nhà tham vấn.

Để xử lý những tình huống chuyển dịch, trước hết nhà tham vấn cần nhân biết và giúp thân chủ nhân thức được hiện tượng này. Bằng những câu nói hay câu hỏi đưa ra thông tin cho thân chủ biết liệu họ có đang đánh đồng mình với một nhân vật nào đó không.

Trong quá trình tham vấn, cũng có hiện tượng khi nhà tham vấn chuyển tải những cảm xúc của mình đối với một nhân vật nào đó trong quá khứ lên thân chủ. Đây được xem như quá trình chuyển dịch ngược.

Một trong những cách xử lý là nhà tham vấn có thể chia sẻ với đồng nghiệp xin tư vấn hoặc có thể chuyển giao ca tham vấn sang nhà tham vấn khác trong trường hợp nhà tham vấn không kiểm soát được cảm xúc, tình cảm của mình.

- Phân tích giấc mơ: theo S.freud thì giấc mơ không chỉ có chức năng sinh lý mà nó còn có một chức năng tâm lý vô cùng quan trọng, bởi nó giúp người ta giải tỏa được những căng thẳng thần kinh qua việc thỏa mãn những mong muốn của cá nhân trong khi mơ mà những mong muốn đó không được thực hiện trong thực tiễn.

- Liên tưởng tự do: khuyến khích thân chủ thổ lộ, chia sẻ. Nhiệm vụ của nhà tham vấn là lắng nghe tích cực tất cả mọi điều, mọi chi tiết mà thân chủ chia sẻ dù là rất nhỏ nhặt và bám theo dấu vết của những liên tưởng này đến liên tưởng khác để tìm được cội nguồn của chúng.

- Nhạy cảm với những phản kháng/chống đối từ phía thân chủ: Sự chống đối của thân chủ thể hiện ở những hành vi như từ chối không thảo luận về một vấn đề nào đó, im lặng, quên, tỏ ra khó khăn trong trình bày bằng lời nói. Đôi khi sự phản ứng còn được biểu hiện qua hành vi hung dữ. Khi này có thể vấn đề thân chủ đang thảo luận đã động chạm đên cảm xúc đau đớn mà họ trải nghiệm trong quá khứ - Cần phải giúp họ thoát khỏi tình trạng đau đớn, lo âu.

Đọc thêm: “Mặc cảm Oedipus"

Thần thoại Hy lạp - Oedipus -

Oedipus là con trai của vua Laius và hoàng hậu Jocasta thành Thebes. Một thầy tiên tri đã phán cho Laius biết rằng ông sẽ bị con trai mình giết chết và cưới mẹ mình, cho nên khi hoàng hậu đẻ ra Oedipus ông đã sai gia nhân vứt bỏ đứa bé đi thật xa. Nhưng, Oedipus lại được mấy người mục phu nhặt đem về kinh thành của vua Polipus nuôi. Đến tuổi trưởng thành, Oedipus từ giã thành Polipus đến Delphi xem bói. Cùng lúc đó xứ Thebes gặp một tai họa lớn, có một con nhân sư quái ác thường ra một câu đố oái oăm, ai không trả lời được thì nó xé xác. Vua Laius nghe tin, ông đi tới trả lời câu hỏi của nó, ở một quãng đường hẹp Oedipus gặp đoàn người của vua Laius đi ngược lại, họ gia lệnh cho Oedipus tránh ra để họ đi. Chàng cưỡng lại. Vụ xô sát xảy ra. Trong trận loạn ẩu, chàng đã giết chết 2 người mà một trong 2 người đó là Laius mà không hề hay biết đó là cha của mình.

Sau đó Creon, anh hoàng hậu Jocasta lên ngôi vua thành Thebes. Trên đương đi Oedipus gặp nhân sư, nó hỏi: "Con gì sáng đi bằng 4 chân, trưa đi bằng 2 chân, tối đi bằng 3 chân." Oedipus liền nói: "Đó là con người". Con nhân sư biết mình đã thua, nó đổ xuống bức tường mà chết. Oedipus sau đó được hưởng phần thưởng như vua Creon đã hứa là cưới mẹ chàng, Jocasta, làm vợ rồi lên ngôi vua Thebes. Lời nguyền về việc Oedipus giết cha, cưới mẹ hoàn tất mà chàng không hay biết.

Với Jocasta, Oedipus có 4 người con. Lúc này thành Thebes bị bệnh dịch hoành hành ghê gớm không ai chữa nổi. Dân chúng trong thành chết như ngả rạ. Oedipus sai người đi hỏi thầy tiên tri. Thầy tiên tri liền phán: cái chết của vua laius cần được trả thù. Oedipus mở cuộc điều tra.

Ngày kia, có một hầu cận già của vua Laius đã cho biết Oedipus là kẻ giết vua cha và loạn luân với mẹ. ông kinh hãi trước 2 tội ác tày trời, khi đó hoàng hậu Jocasta tự tử. Oedipus lấy cái trâm trên đầu hoàng hậu mà chọc đui mù mắt ông và bỏ đi tha hương. Oedipus sống trong sự đau khổ đến khi ông chết.

Tổng hợp: Tiến Đạt.

chuyenmarketing.com

Link download E-book full bản đẹp:
Phan-tam-hoc-full-pdf-www.chuyenmarketing.pdf
 

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
138,606
Bài viết
161,037
Thành viên
182,610
Thành viên mới nhất
hitclub8

Quảng cáo

Hosting tốt nhất dành cho Wordpress
Bên trên